Có một dự án đang cần bạn hoàn thành gấp cho
kịp deadline, và bạn đang dồn hết tâm trí và sự tập trung vào đó. Đột
nhiên, bạn nảy ra ý định rằng, mình hôm nay chưa lướt newsfeed trên
Facebook để cập nhật tin tức thì phải. Dành khoảng 20 phút lướt chán
chê, bạn lại muốn quay sang Instagram, chỉ muốn coi một vài bức ảnh đẹp
mà thôi. Và rồi cuối cùng, khi đã cảm thấy mỏi mệt, một bộ phim sẽ là
cứu cánh cho bạn và bạn sẽ lấy nó làm lý do để trì hoãn công việc của
mình sang một buổi khác. Mà theo bạn, lúc đó mới thực sự là lúc thích
hợp để làm việc.
Cảm giác trên có quen thuộc không? Nếu như tôi
nói rằng, một trong những lý do khiến con người ta hay có thói quen
thích trì hoãn là bởi vì chính những chiếc smart phone bé nhỏ nhưng đầy
quyền lực kia thì liệu bạn có tin?
Tại sao bạn lại trì hoãn? Vì quá căng thẳng
Theo
nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, lý do chủ yếu khiến con người ta
muốn trì hoãn mọi thứ đó là bởi vì stress. Và hễ cứ sau mỗi lần trì hoãn
đó, mức độ stress lại càng có xu hướng tăng lên.
Không phải lúc nào trì hoãn cũng là điều xấu. Có 2 loại trì hoãn khác nhau: một là trì hoãn mang tính xây dựng, và hai là trì hoãn mang tính phá hoại.
Loại thứ nhất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bất cứ hoạt động
sáng tạo tri thức nào, bởi vì não bộ của bạn cần có thời gian nghỉ ngơi
để phát huy trí tưởng tượng. Nhưng cốt lõi vấn đề là ở chỗ, bạn vẫn phải
quay trở lại làm việc như bình thường. Còn thế hệ trẻ như chúng ta bây
giờ đang quay cuồng trong kiểu trì hoãn phá hoại hơn.
Thử nghĩ
xem, khi bạn cảm thấy bị căng thẳng, bạn sẽ tìm đến những hoạt động giúp
giải phóng mình khỏi stress. Nhưng rốt cuộc bạn lại tìm cách chạy trốn
thay vì đương đầu với nó, thông qua việc tự huyễn hoặc một lý do để tìm
cách trì hoãn việc đó. Kết cục là bạn lại càng cảm thấy stress nhiều hơn
trước.
Bạn càng không giữ được sự bình tĩnh thì bạn lại càng cảm
thấy ức chế hơn, giống như đang bị mắc kẹt trong một chiếc đu quay không
có điểm dừng. Và bạn quá sợ hãi đến mức không dám nhảy ra khỏi nó, mà
thay vào đó lại chọn cách trì hoãn và ngồi trên chiếc đu quay ấy.
Việc
chọn cách không trì hoãn đôi khi cũng gây ra stress do áp lực phải hoàn
thành công việc, nhưng đó là stress có tính tích cực. Nó tạo động lực
cho bạn tiếp tục công việc được giao.
Làm cách nào để thoát khỏi thói quen trì hoãn?
Nếu
không tự tạo động lực cho bản thân, bạn sẽ không đạt được bất cứ thành
quả gì trong cuộc sống. Không bị gò ép trong phạm vi công việc mà nó bao
gồm cả những mặt khác của cuộc sống. Không ai khác ngoài chính bạn sẽ
phải là người chủ động nắm lấy cơ hội để đạt được khát vọng của mình.
Cảm
giác thất bại, hay sợ hãi, là có thật, nhưng nếu chỉ vì lý do ấy mà bạn
phải trì hoãn mọi thứ thì dần dà bạn sẽ cảm thấy có một sức nặng vô
hình nào đó đè chặt lên lưng mình. Và xung quanh mọi người đều đang bận
rộn với công việc riêng của họ, thế nên cách duy nhất là bạn phải tự
mình trải nghiệm tất cả. Hãy cứ thử bắt tay vào làm việc. Đó không phải
là cái gì đó quá to tát, ngược lại nó giúp bạn chuẩn bị tinh thần để tận
hưởng thành quả chiến thắng về sau. Và hơn cả, nó giúp bạn tránh xa
khỏi viễn cảnh phải sống co cụm trong nỗi âu lo, khổ sở và dằn vặt tại
sao mình không dám làm điều này điều kia.
Trì hoãn dẫn đến stress
mang tính tiêu cực, còn hành động sẽ tạo ra stress mang tính tích cực.
Dù có thể nào đi nữa, việc tự mình trải nghiệm và xắn tay lên làm điều
gì đó cũng mang lại chút động lực để bạn tiến về phía trước. Thử nghĩ
xem, cuộc sống còn có ý nghĩa hay không, nếu bạn không dám thử thách bản
thân dù chỉ một chút? Một khi bạn học được cách đối phó với sự căng
thẳng, việc phân tích tình huống và dựa vào đó để đưa ra quyết định nhằm
giảm thiểu tác hại của stress hoàn toàn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nên
nhớ rằng, stress mang tính tiêu cực sẽ tích tụ dần theo thời gian và
gây ra vô số những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Còn stress mang tính
tích cực sẽ tạo động lực giúp bạn giải quyết được công việc cũng như
mang lại sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Có
thể bạn đã biết, trong cơ thể con người có một loại hormone mang tên
dopamine. Cứ mỗi lần bạn trì hoãn hoặc không làm một điều gì đó cần
thiết để giải phóng bản thân khỏi stress, dopamine sẽ sản sinh ra hàng
nghìn lần, gây kích thích hưng phấn hơn và khiến bạn cảm thấy càng ngày
càng muốn trì hoãn hơn nữa. Nói cách khác, về bản chất nó không khác gì
một dạng ma túy cả. Và bạn phải học được cách để cai nghiện và thoát ra
khỏi nó.
Tuy vậy, cũng đừng bao giờ dằn vặt bản thân sau mỗi lần
trì hoãn, dù bạn có làm điều đó chủ đích hay không. Hãy nghĩ tới tương
lai, đích đến, cảm giác chinh phục được mục tiêu của mình sẽ tuyệt vời
như thế nào. Hãy để chúng dẫn lối và tạo động lực cho bạn. Và quan trọng
là hãy bắt tay vào việc đi, đừng trì hoãn. Không quan tâm đến đó là
việc gì, chỉ cần biết rằng nó phục vụ cuộc sống tương lai của bạn là đủ.
Đừng bao giờ để stress trở thành vật cản, hãy luôn trân trọng và coi nó giống như động lực để tiếp tục tiến lên.
Đăng nhận xét