Articles by "Đạo công giáo"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Đạo công giáo. Hiển thị tất cả bài đăng


Có nhiều người đã hỏi tôi rằng: "Chúng mày theo đạo Thiên Chúa là thờ mỗi Chúa thôi à, thế là khi Bố, mẹ, ông, bà, người thân chết đi là khỏi phải thờ nữa à.?”
Tôi cười và đáp:
Dạ, thưa các bạn.
Trong 10 điều răn Chúa dạy chúng tôi, có 1 điều đó là "Thảo Kính Cha Mẹ".
Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính Cha Mẹ, kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
Và hằng ngày trong các thánh lễ chúng tôi vẫn cầu cho các linh hồn đó chứ.
Người Công Giáo chúng tôi còn có hẳn 1 tháng 11 để kính nhớ đến ông bà tổ tiên cùng những người đã khuất.
Chúng tôi vẫn ăn Tết nguyên đán như bình thường nhé..! Và trong những ngày vui của năm mới chúng tôi cũng không quên dành ngày mùng 2 tết âm lịch để cầu nguyện cho tổ tiên và nhớ về cội nguồn của mình.
Chúng tôi cũng có ngày lễ giỗ. Gia đình sẽ mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến không phải ngồi quanh mâm cỗ cúng, mà quây quần gần bên bàn thờ được thắp nến trưng hoa để đọc kinh dâng lời cầu nguyện, mong cho linh hồn đã chết sẽ được đến nơi vĩnh hằng (tức là Thiên Đường).
Thay vì mâm cao cỗ đầy, mời người đã khuất về cùng với gia đình theo quan niệm bên các bạn.
Chúng tôi cũng không quên ngồi lại bên nhau sau giờ đọc kinh trò chuyện, hỏi thăm nhau, mời nhau chén trà, điếu thuốc, dùng cái kẹo, trái cây..v..v
Quan niệm của chúng tôi là đối xử tốt với những người thân bên cạnh khi họ còn sống, còn khi đã khuất mâm cao cỗ đầy cúng cũng chẳng để làm gì.
Điều các bạn tin và mong muốn là sống tốt, khi chết sẽ được siêu thoát và kiếp sau sẽ được luân hồi tiếp tục trở thành con người.
Khác với các bạn, niềm tin của chúng tôi đó là Nước Trời, là Thiên Đàng nơi mà con người sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc viên mãn mãi mãi.
Các bạn có tin điều các bạn mong muốn không..?
Còn chúng tôi, là những người theo đạo Thiên Chúa, là những người Công Giáo chúng tôi tin những gì chúng tôi đang làm.
Mà tin điều gì thì điều ấy sẽ có, miễn sao là có niềm tin.
"Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho".
Xin Chúa ban bình an cho tất cả các bạn. Amen.



Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh. Ngày này không cử hành riêng lẻ mà cử hành hai sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Đây là 9 điểm chúng ta cần biết:
1. Chúa Nhật Lễ Lá là gì?
Chúa Nhật Lễ Lá còn gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn. Gọi là Chúa Nhật Lễ Lá phát xuất từ việc tưởng nhớ Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem, được dân chúng vừa cầm lá vừa tung hô (Ga 12:13). Gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn vì Bài Thương Khó được đọc vào ngày này.
Theo tài liệu chính thức Paschales Solemnitatis nói về việc cử hành các ngày lễ liên quan Lễ Phục Sinh: Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, liên kết việc tiên báo cuộc rước hiển hách với việc công bố cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Việc liên kết giữa hai sự kiện này của Mầu nhiệm Vượt qua được tỏ hiện, được giải thích việc cử hành ngày này và giáo lý về ngày này.
2. Một điểm quan trọng của ngày này là cuộc rước lá trước Thánh Lễ. Tại sao chúng ta làm vậy?
Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Theo truyền thống, việc tưởng nhớ Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem được cử hành bằng cuộc rước trọng thể, mọi người hát noi gương các trẻ em Do Thái đồng thanh tung hô Đức Giêsu: “Thánh, thánh, thánh! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Cuộc rước lá được thực hiện trước Thánh Lễ, có thể vào chiều tối Thứ Bảy hoặc Chúa Nhật. Lá được làm phép và mọi người cầm lá trong cuộc rước, tưởng nhớ lúc Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem.
3. Phải dùng lá cọ, lá dừa?
Không nhất thiết phải dùng lá cọ, lá dừa. Có thể dùng các loại cành lá khác. Cuộc rước lá kỷ niệm việc Chúa Giêsu vào Thánh Giêrusalem là cuộc vui mừng, mọi người cầm lá đã được làm phép, sau đó đưa lá về nhà.
4. Có cần hướng dẫn giáo dân?
Rất cần. Giáo dân nên được hướng dẫn về ý nghĩa của cuộc rước để họ hiểu tầm quan trọng của cuộc rước. Đây là dịp họ được nhắc nhở rằng họ cần tham dự cuộc rước để tôn vinh Con Thiên Chúa.
Lá được làm phép và được giữ lại, nhưng đừng coi lá đó như “bùa hộ mệnh” (amulet), hoặc coi lá đó có thể chữa bệnh, trừ tà, hoặc ngăn ngừa tai họa, vì như vậy là mê tín dị đoan. Lá đó được giữ tại nhà để biểu hiện niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ, Ngôi Hai Thiên Chúa.
5. Chúa Giêsu làm gì trong khi vào Thành Thánh?
Chúa Giêsu là Vua các vua nhưng rất khiêm nhường. Ngài cưỡi lừa con vào Thành Thánh chứng tỏ Ngài là Vua. Từ nay chúng ta hãy chý ý: Chúa Giêsu thực sự xưng vương. Ngài muốn con đường Ngài đi và hành động của Ngài được hiểu rằng các lời hứa Cựu ước được hoàn tất nơi Ngài… Kinh Thánh cho biết rõ: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9). Ngài là Vua nhưng Ngài không có ý thu nạp quân đội hoặc âm mưu lật đổ chính quyền La Mã. Quyền hành của Ngài ở trong sự nghèo khó của Thiên Chúa, sự bình an của Thiên Chúa, sức mạnh đó có ơn cứu độ.
6. Phản ứng của đám đông biểu hiện điều gì?
Đám đông tung hô Chúa Giêsu chứng tỏ họ nhận biết Ngài là Đấng Thiên Sai. Họ trải áo cho Ngài đi qua là làm truyền thống Ít-ra-en, như khi dân chúng tôn vinh ông Giê-hu: “Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: Giê-hu làm vua!” (2 V 9:13). Hành động của các môn đệ là động thái tôn phong theo truyền thống Vua Đa-vít, chứng tỏ niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai.
Đoàn người đến Giêrusalem với Chúa Giêsu được bắt gặp trong sự nhiệt thành của các môn đệ. Họ trải áo trên đường khi Chúa Giêsu đi qua, họ bẻ những cành lá vừa vẫy chào vừa tung hô chúc tụng: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11:9-10; x. Tv 118:26).
7. Chữ “Hosanna” nghĩa là gì?
ĐGH Benedict XVI giải thích: Nguồn gốc từ này là lời khẩn cầu, chẳng hạn như: “Xin đến cứu giúp chúng tôi!”. Các tư tế lặp lại lời cầu này vào ngày thứ bảy của kỳ Lễ Lều Tạm, trong khi đi vòng quanh bàn thờ bảy lần, như lời khẩn khoản cầu mưa. Lễ Lều Tạm dần dần thay đổi từ lễ cầu xin trở thành lễ ca tụng, là tiếng kêu vui mừng.
Vào thờ Chúa Giêsu, từ này cũng ngụ ý Đấng Thiên Sai. Khi tung hô “thánh, thánh, thánh”, chúng ta thấy có cảm xúc phức tạp của đám đông theo Chúa Giêsu và các môn đệ vào Thành Thánh: Vui mừng chúc tụng, hy vọng Đấng Thiên Sai đến, mong chờ Vương Triều Đa-vít, đặc biệt là Vương Quốc Thiên Chúa đến để quốc gia Ít-ra-en được tái lập.
8. Chỉ vài ngày sau, chính đám đông đón rước Chúa lại đòi đóng đinh Chúa Giêsu?
Cả bốn Phúc Âm đều nói rõ rằng lòng kính trọng Chúa Giêsu khi Ngài vào Thành Giêrusalem được thể hiện nhưng không phải tất cả đều là cư dân Giêrusalem. Thánh Mát-thêu cho biết: “Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: ‘Ông này là ai vậy?’. Dân chúng trả lời: ‘Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy” (Mt 21:10-11).
Người ta nghe nói có một ngôn sứ xuất thân từ Na-da-rét, nhưng Chúa Giêsu không mấy quan trọng đối với Giêrusalem, thế nên người ta không biết Ngài là ai. Đám đông tỏ lòng kính trọng Chúa Giêsu tại cửa ngõ vào Thánh Giêrusalem không là đám đông đòi đóng đinh Ngài.
9. Trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thế nào?
Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Trình thuật cuộc khổ nạn chiếm vị trí đặc biệt. Trình thuật này – tức là Bài Thương Khó – nên được hát hoặc đọc theo truyền thống, nghĩa là có ba người thể hiện Bài Thương Khó: Một người đóng vai Chúa Giêsu, một người kể chuyện, và một người đóng các vai khác.
Khi đọc Bài Thương Khó, không có đèn nến hoặc xông hương, cũng không làm dấu Thánh Giá. Vì lợi ích tâm linh, Bài Thương Khó nên được công bố đầy đủ.

Truyền thống nghệ thuật Kitô giáo từ lâu đã có thói quen mô tả 4 vị Thánh Sử Tin Mừng đi kèm hoặc được đại diện bằng 4 sinh vật: con người, sư tử, bò và đại bàng. Đây không phải là sự sắp xếp cố tình hay suy tư sáng tạo của các nghệ nhân, như trường hợp biểu tượng chim bồ nông là một ví dụ về sự suy tư liên tưởng, nhưng 4 hình ảnh trên là những điều có nền tảng Kinh Thánh hẳn hoi.

Bạn biết gì về 4 sinh vật đại diện cho 4 Tác Giả Tin Mừng

Ít nhất là hai lần Kinh Thánh đã nhắc đến hình ảnh của 4 sinh vật trên. Đầu tiên là trong thị kiến của tiên tri Êdêkien: ông mô tả 4 sinh vật, và "bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình" (Ed 1,10-11). Đó là thị kiến của ông về xa giá của Thiên Chúa.

Ông Êdêkien sống trước Chúa Kitô 6 thế kỷ, trong thời kỳ dân Do Thái đi lưu đày ở Babylon. Ở đó, các biểu tượng kết hợp nhiều hình ảnh tương tự có nguồn gốc từ Ai Cập và Lưỡng Hà đang khá phổ biến (chẳng hạn như tượng nhân sư Ai Cập kết hợp người và sư tử), và có thể vị tiên tri đã chịu ảnh hưởng của kiểu văn hoá biểu tượng kết hợp ấy. Thực tế, 4 hình ảnh mà tiên tri đã mô tả tương ứng với 4 biểu tượng trong chiêm tinh Babylon: con bò tượng trưng cho chòm sao Kim Ngưu, con sư tử tượng trưng cho chòm Sư Tử, đại bàng cho chòm Bọ Cạp, và con người cho chòm Bảo Bình. Các tín hữu thời sơ khai đón nhận các biểu tượng này và gán chúng cho 4 vị Thánh Sử; và từ thế kỷ 5 thì hoàn toàn thay đổi ý nghĩa của chúng cho đến ngày nay.

Lần thứ hai mà 4 sinh vật trên xuất hiện trong Kinh Thánh là nơi chương 4, câu 7 của sách Khải Huyền của Thánh Gioan: "Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay." Đây là thị kiến mà tác giả sách Khải Huyền mô tả về quang cảnh trước ngai toà Thiên Chúa. 4 Con Vật trên là 4 thụ tạo hằng ở trước ngai để chúc tụng vinh quang Chúa.

Thế nhưng tại sao người ta lại gán 4 con vật biểu tượng trên cho 4 Thánh Sử như chúng ta thấy hiện nay, mà không phải là theo quy tắc nào khác? Chính Thánh Giêrônimô (347-420), người đã dịch bộ Kinh Thánh từ tiếng Hípri và Hy Lạp sang tiếng Latinh lần đầu tiên, là người đã thực hiện việc gán ghép các biểu tượng ấy. Có những lý do ràng buộc và thuyết phục, liên quan đến đặc điểm Tin Mừng của 4 Thánh Sử để gán như vậy:

- Thánh Mátthêu được gắn liền với một người có cánh - đôi khi là một thiên thần - vì Tin Mừng của ngài tập trung vào nhân tính của Chúa Giêsu Kitô. Thực tế là Thánh Mátthêu đã bắt đầu Tin Mừng của mình bằng gia phả của Chúa Giêsu để nói về bản tính nhân loại của Người.

- Thánh Máccô thì được liên kết với một con sư tử, bởi lẽ Tin Mừng của ngài nhấn mạnh vẻ oai nghi của Chúa Giêsu và phẩm chất đế vương của Người, giống như sư tử được coi là vua của muôn thú. Tin Mừng của ngài bắt đầu với lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, kêu lên trong hoang địa như tiếng sư tử gầm.

- Thánh Luca thì đi liền với con bò, do Phúc Âm của ngài nói sâu về tính hy sinh trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cũng như con bò là lễ vật hy tế thượng phẩm theo luật Môsê. Trong tác phẩm của ngài, Luca phát hoạ cảnh Giáng Sinh với các con vật, trong đó có con bò, làm chứng nhân cuộc giáng thế của Đấng Cứu Tinh.

- Cuối cùng, Thánh Gioan thì tương quan với con đại bàng, vì hai lý do: đầu tiên, Phúc Âm của ngài mô tả sự nhập thể của Ngôi Lời, tức sự giáng thế của Chúa Kitô, và đại bàng là biểu tượng của một thứ gì đó đến từ phía trên; thứ hai, cũng giống như đại bàng, Thánh Gioan là người có thể nhìn thấy những gì mà người khác không thấy được, chẳng hạn như các mặc khải trong sách Khải Huyền của ngài. Vì những sự cao siêu trong trước tác của ngài mà người ta gọi ngài là Thánh Gioan Tác Giả Tin Mừng, Đại Bàng đảo Pátmô.

Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn lược dịch

Tại sao người Công Giáo chỉ ăn chay có 2 ngày và kiêng thịt thì lại cho ăn những món ăn khác như tôm, cua, cá… đôi khi còn ngon và đắt tiền hơn thịt nữa, trong khi các đạo khác ăn chay khắc khổ hơn. Thực hành việc ăn chay phải như thế nào mới đúng. Con xin cám ơn cha.



Tại sao người Công Giáo chỉ ăn chay có 2 ngày và kiêng thịt thì lại cho ăn những món ăn khác như tôm, cua, cá


Giải đáp
Việc ăn chay và kiêng cữ thường đi chung với nhau nhưng là hai việc khác nhau.
Ăn chay vốn là một từ bên Phật Giáo và đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong Từ điển Annam-Bồ Đào Nha – Latinh như sau : Ăn chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. Ăn chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cữ (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…
Ăn chay là việc thực hành phổ biến của hầu hết các tôn giáo. Tuy nhiên, mục đích của việc ăn chay lại không giống nhau. Đối với những tu sĩ Phật Giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường là cữ sát sinh không dùng những thức ăn có nguồn gốc từđộng vật hoặc không có sự giết chóc động vật trong quá trình chế biến vì lòng từ bi đối với tất cả mọi loài chúng sinh. Trong khi đó người Công Giáo ăn chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Vì thế mà việc ăn chay hai bên khác nhau nên không thể so sánh vì không cùng mục đích.
Đối với Kitô giáo, ban đầu đó là một việc làm tự nguyện của giáo dân lâu dần mới thành thói quen trong Hội Thánh. Sau đó ăn chay trở thành luật buộc. Việc ăn chay được ấn định cho suốt Mùa Chay. Từ Thế Kỷ V đến Thế Kỷ IX, ngoại trừ ngày Chúa Nhật, mùa này chỉ được dùng một bữa ăn, thường là bữa tối. Không được có thịt, cá trong bữa ăn và có nơi còn cấm cả trứng cũng như các sản phẩm từ sữa. Đầu Thế Kỷ X, bữa này chuyển về buổi trưa. Khoảng Thế Kỷ XIV, buổi tối có thể dùng một bữa ăn nhẹ. Đến thời Trung Cổ thì bãi bỏ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa như bơ, phó mát…
Theo Giáo Luật 1917 thời đó chỉ được dùng một bữa chính ăn no trong các ngày mùa Chay trừ Chúa Nhật và hai bữa ăn khác không có thịt và cũng không ăn nhiều như các bữa ăn thông thường. Các ngày kiêng thịt là các ngày thứ sáu quanh năm còn trong mùa Chay thêm ngày thứ Bẩy (x. Giáo Luật cũ 1250 – 1254).
Luật kiêng cữ nghiêm nhặt vẫn được tuân giữ cho tới ngày 17 tháng 2 năm 1966. Với Tông Hiến Poetemini của Đức Giáo Hoàng Paul VI đã có sự thay đổi về việc ăn chay và kiêng thịt.
Ngày nay, việc ăn chay và đã được giảm bớt đi chỉ còn 2 ngày là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh theo qui định của Giáo Luật điều 1251 như sau :
Phải kiêng thịt, hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội Đồng Giám Mục, các ngày thứ sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng; còn luật kiêng thịt và ăn chay thì phải giữ ngày Lễ Tro và ngày thứ Sáu kính cuộc Khổ Nạn và sự chết của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Bạn có hỏi tại sao ăn chay ít thế chỉ có hai ngày một năm ? Đọc lại lịch sử chắc bạn cũng thấy rằng đã có thời gian việc ăn chay khá nhiệm nhặt. Ăn chay suốt mùa Chay vào thời kỳ mà lương thực không lấy gì làm sung túc lắm. Tuy nhiên, nếu ăn chay trở thành một sự áp đặt cứng ngắt thì cũng tạo ra một sự tuân thủ miễn cưỡng và giả tạo. Đôi khi còn dẫn đến hình thức luồn lách để tránh né thí dụ như như luật không qui định thời gian của bữa ăn nên người ta có thể kéo dài một bữa ăn vài giờ đồng hồ.
Chắc bạn cũng từng gặp trường hợp có những người ăn chay đã phải thức chờ sau 12 giờ đêm ngày thứ Tư lễ tro để ăn cho đỡ đói. Việc ăn chay hẳn không phải lúc nào cũng dễ dàng với nhiều người. Vậy thì việc qui định bắt buộc chỉ còn 2 ngày cho thấy Giáo Hội giảm đi việc bó buộc nhưng vẫn cho bạn được tự do ăn chay thêm vào những ngày bạn muốn hãm mình để giúp bạn làm chủ các bản năng và tiến tới sự tự do nội tâm, diễn tả lòng thống hối và hiệp thông với cuộcTử Nạn của Chúa. Nếu thấy ít, bạn vẫn có thể tự nguyện ăn chay nhiều hơn. Đâu có ai cấm bạn ! Miễn là đừng làm hại sức khoẻ thôi. Đó chính là việc ăn chay tự nguyện như đã được thực hiện thuở ban đầu của Hội Thánh khi chưa có luật buộc.
Về việc kiêng thịt
Điều 1251: Phải kiêng thịt, hay kiêng của ăn nào khác theo qui định của Hội Đồng Giám Mục, các ngày thứ sáu trong năm, trừ khi những ngày ấy trùng với một ngày nào khác trong số những ngày lễ trọng…
Điều 1252: Ai đã trọn 14 tuổi buộc phải giữ luật kiêng thịt; còn luật ăn chay buộc tất cả những người thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các vị Chủ chăn và cha mẹ phải lo sao để cả những người vị thành niên không buộc ăn chay kiêng thịt cũng được thấm nhuần tinh thần sám hối đích thực.
Điều 1253: Hội đồng Giám mục có thể ấn định rõ hơn luật giữ chay và kiêng thịt, cũng như có thể thay thế toàn phần hay một phần việc kiêng thịt và ăn chay bằng những hình thức sám hối khác, nhất là bằng những việc bác ái và việc đạo đức.
Như vậy mục đích của việc kiêng thịt hay kiêng một thức ăn nào khác là một sự hãm mình, từ bỏ bản thân trong ngày sám hối chung của toàn thể Giáo Hội là ngày thứ sáu. Cho nên điều quan trọng là thấm nhuần tinh thần sám hối như được nói đến trong điều 1252 chứ không chỉ tuân thủ một qui định thuần tuý luật lệ.
Giáo Luật cũng đã đề cập đến việc kiêng một thức ăn khác cũng như có thể được thay thế bằng những việc bác ái và đạo đức theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục ( điều 1253). Vì vậy mà có nơi không nói đến kiêng thịt nữa nhưng không vì thế mà không cần nghĩ đến sám hối và làm các việc đạo đức, bác ái… Và như đã bạn thắc mắc kiêng thịt mà lại tìm những món ăn ngon hơn như tôm, cua… mà ăn thì còn đâu là ý nghĩa của ngày thống hối chung và ăn kiêng như thế cũng coi như chưa kiêng gì cả !
Tóm lại
TUỔI GIỮ CHAY: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi.
TUỔI KIÊNG THỊT: Từ 14 tuổi trở lên
CÁCH GIỮ CHAY: Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no(chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v
CÁCH KIÊNG THỊT: Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng chay…. Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát …
NGÀY BUỘC GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh

CuuThe

Author Name

y

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Thiên Kim Blog. Được tạo bởi Blogger.