Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh. Ngày này không cử hành riêng lẻ
mà cử hành hai sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Đây là 9
điểm chúng ta cần biết:
1. Chúa Nhật Lễ Lá là gì?
Chúa
Nhật Lễ Lá còn gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn. Gọi là Chúa Nhật Lễ Lá phát
xuất từ việc tưởng nhớ Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem, được
dân chúng vừa cầm lá vừa tung hô (Ga 12:13). Gọi là Chúa Nhật Khổ Nạn vì
Bài Thương Khó được đọc vào ngày này.
Theo tài liệu chính thức
Paschales Solemnitatis nói về việc cử hành các ngày lễ liên quan Lễ Phục
Sinh: Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, liên kết việc tiên báo
cuộc rước hiển hách với việc công bố cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Việc
liên kết giữa hai sự kiện này của Mầu nhiệm Vượt qua được tỏ hiện, được
giải thích việc cử hành ngày này và giáo lý về ngày này.
2. Một điểm quan trọng của ngày này là cuộc rước lá trước Thánh Lễ. Tại sao chúng ta làm vậy?
Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Theo truyền thống, việc tưởng
nhớ Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem được cử hành bằng cuộc rước trọng
thể, mọi người hát noi gương các trẻ em Do Thái đồng thanh tung hô Đức
Giêsu: “Thánh, thánh, thánh! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Cuộc rước lá được thực hiện trước Thánh Lễ, có thể vào chiều tối Thứ
Bảy hoặc Chúa Nhật. Lá được làm phép và mọi người cầm lá trong cuộc
rước, tưởng nhớ lúc Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem.
3. Phải dùng lá cọ, lá dừa?
Không nhất thiết phải dùng lá cọ, lá dừa. Có thể dùng các loại cành lá
khác. Cuộc rước lá kỷ niệm việc Chúa Giêsu vào Thánh Giêrusalem là cuộc
vui mừng, mọi người cầm lá đã được làm phép, sau đó đưa lá về nhà.
4. Có cần hướng dẫn giáo dân?
Rất cần. Giáo dân nên được hướng dẫn về ý nghĩa của cuộc rước để họ
hiểu tầm quan trọng của cuộc rước. Đây là dịp họ được nhắc nhở rằng họ
cần tham dự cuộc rước để tôn vinh Con Thiên Chúa.
Lá được làm
phép và được giữ lại, nhưng đừng coi lá đó như “bùa hộ mệnh” (amulet),
hoặc coi lá đó có thể chữa bệnh, trừ tà, hoặc ngăn ngừa tai họa, vì như
vậy là mê tín dị đoan. Lá đó được giữ tại nhà để biểu hiện niềm tin vào
Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ, Ngôi Hai Thiên Chúa.
5. Chúa Giêsu làm gì trong khi vào Thành Thánh?
Chúa Giêsu là Vua các vua nhưng rất khiêm nhường. Ngài cưỡi lừa con vào
Thành Thánh chứng tỏ Ngài là Vua. Từ nay chúng ta hãy chý ý: Chúa Giêsu
thực sự xưng vương. Ngài muốn con đường Ngài đi và hành động của Ngài
được hiểu rằng các lời hứa Cựu ước được hoàn tất nơi Ngài… Kinh Thánh
cho biết rõ: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ
Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với
ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên
lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9). Ngài là Vua nhưng
Ngài không có ý thu nạp quân đội hoặc âm mưu lật đổ chính quyền La Mã.
Quyền hành của Ngài ở trong sự nghèo khó của Thiên Chúa, sự bình an của
Thiên Chúa, sức mạnh đó có ơn cứu độ.
6. Phản ứng của đám đông biểu hiện điều gì?
Đám đông tung hô Chúa Giêsu chứng tỏ họ nhận biết Ngài là Đấng Thiên
Sai. Họ trải áo cho Ngài đi qua là làm truyền thống Ít-ra-en, như khi
dân chúng tôn vinh ông Giê-hu: “Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu
thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: Giê-hu làm vua!” (2 V
9:13). Hành động của các môn đệ là động thái tôn phong theo truyền
thống Vua Đa-vít, chứng tỏ niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai.
Đoàn
người đến Giêrusalem với Chúa Giêsu được bắt gặp trong sự nhiệt thành
của các môn đệ. Họ trải áo trên đường khi Chúa Giêsu đi qua, họ bẻ những
cành lá vừa vẫy chào vừa tung hô chúc tụng: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng
ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua
Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11:9-10; x. Tv
118:26).
7. Chữ “Hosanna” nghĩa là gì?
ĐGH Benedict XVI
giải thích: Nguồn gốc từ này là lời khẩn cầu, chẳng hạn như: “Xin đến
cứu giúp chúng tôi!”. Các tư tế lặp lại lời cầu này vào ngày thứ bảy của
kỳ Lễ Lều Tạm, trong khi đi vòng quanh bàn thờ bảy lần, như lời khẩn
khoản cầu mưa. Lễ Lều Tạm dần dần thay đổi từ lễ cầu xin trở thành lễ ca
tụng, là tiếng kêu vui mừng.
Vào thờ Chúa Giêsu, từ này cũng ngụ
ý Đấng Thiên Sai. Khi tung hô “thánh, thánh, thánh”, chúng ta thấy có
cảm xúc phức tạp của đám đông theo Chúa Giêsu và các môn đệ vào Thành
Thánh: Vui mừng chúc tụng, hy vọng Đấng Thiên Sai đến, mong chờ Vương
Triều Đa-vít, đặc biệt là Vương Quốc Thiên Chúa đến để quốc gia Ít-ra-en
được tái lập.
8. Chỉ vài ngày sau, chính đám đông đón rước Chúa lại đòi đóng đinh Chúa Giêsu?
Cả bốn Phúc Âm đều nói rõ rằng lòng kính trọng Chúa Giêsu khi Ngài vào
Thành Giêrusalem được thể hiện nhưng không phải tất cả đều là cư dân
Giêrusalem. Thánh Mát-thêu cho biết: “Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả
thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: ‘Ông này là ai vậy?’. Dân chúng
trả lời: ‘Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy” (Mt 21:10-11).
Người ta nghe nói có một ngôn sứ xuất thân từ Na-da-rét, nhưng Chúa
Giêsu không mấy quan trọng đối với Giêrusalem, thế nên người ta không
biết Ngài là ai. Đám đông tỏ lòng kính trọng Chúa Giêsu tại cửa ngõ vào
Thánh Giêrusalem không là đám đông đòi đóng đinh Ngài.
9. Trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thế nào?
Tài liệu Paschales Solemnitatis cho biết: Trình thuật cuộc khổ nạn
chiếm vị trí đặc biệt. Trình thuật này – tức là Bài Thương Khó – nên
được hát hoặc đọc theo truyền thống, nghĩa là có ba người thể hiện Bài
Thương Khó: Một người đóng vai Chúa Giêsu, một người kể chuyện, và một
người đóng các vai khác.
Khi đọc Bài Thương Khó, không có đèn nến
hoặc xông hương, cũng không làm dấu Thánh Giá. Vì lợi ích tâm linh, Bài
Thương Khó nên được công bố đầy đủ.